Kính thưa quý thầy cô giáo cùng toàn thể các bạn học sinh thân mến !
Mùa xuân đã về trên khắp các nẻo đường, đâu đâu cũng nồng nàn với sắc màu rực rỡ và hương vị ngọt ngào của giai điệu mùa xuân, như lời một bài hát: “Đảng đã cho ta một mùa xuân đầy ước vọng, một mùa xuân tươi tràn ánh sáng khắp nơi nơi”.
Vâng, Mùa xuân - mùa khởi đầu của sự đổi mới toàn diện trên mọi lĩnh vực tạo nên cuộc sống kỳ diệu hơn, tươi đẹp hơn. Hòa trong âm hưởng đất trời mùa xuân cùng với thời khắc tuyệt đẹp này, Thư viện trường Tiểu học Lý Tự Trọng xin giới thiệu tới bạn dọc cuốn sách “Bánh chưng, bánh giầy” do tác giả Ngọc Khuê và nhóm GV ĐHSP ngữ văn biên soạn, NXB Đại học sư phạm ấn hành. Cuốn sách có khổ giấy 19 x 27 cm được in trên bìa cứng dày, với những hình ảnh ngộ nghĩnh, màu sắc hài hòa bắt mắt.
Kính thưa quý thầy cô giáo cùng toàn thể các bạn học sinh thân mến !
Trong dịp tết cổ truyền Việt Nam, trên mâm cúng gia tiên của bất kỳ gia đình nào cũng không thể thiếu một thứ bánh đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc Việt nam đó là món bánh chưng xanh. Vì sao có bánh chưng xanh ? Vì sao bánh chưng lại được đặt trân trọng trên bàn thờ trong ngày tết như vậy ? Cô cùng các bạn tìm hiểu nhé!
Các bạn biết không?
Ngày xưa ở nước ta, trong số các con của Vua Hùng Vương thứ 6 có một hoàng tử tên là Lang Liêu. Các hoàng tử khác đều văn hay võ giỏi, nhưng đều không thích lao động chân tay, chỉ riêng có hoàng tử Lang Liêu là chăm chỉ và yêu thích trồng trọt.
Khi vua Hùng đã già yếu, muốn kén chọn người kế vị, Vua phán truyền “Đến ngày hội lớn đầu năm, ai tìm được của ngon vật lạ nhất đem đến để ta tế trời, đất thì được truyền ngôi”.
Các hoàng tử đua nhau lên rừng xuống biển tìm của ngon vật lạ, riêng hoàng tử Lang Liêu nghĩ mình sẽ dâng vua cha sản vật từ chính đồng quê của mình. Chàng cùng vợ con chăm sóc cho cánh đồng lúa quê hương. Lang Liêu chợt nghĩ “Không gì có thể thay thế được lúa gạo, trời tròn, đất vuông. Chàng cùng mọi người chuẩn bị lá dong, gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn và gói thành 1 thứ bánh vuông, bọc lá xanh. Mọi người cùng nhau mang gạo nếp giã nhuyễn và nặn thành 1 thứ bánh mịn màng, cẩn thận cho từng cái bánh”.
Ngày hội lớn đầu năm đã đến, mọi người nô nức mang sản vật mà mình đã chuẩn bị để dâng lên vua cha. Các hoàng tử mang của ngon vật lạ các nơi về đông đủ. Bên cạnh những thứ đó, lễ vật của Lang Liêu lại rất đơn giản. Nhưng sau khi nghe Lang Liêu tâu trình về cách làm và ý nghĩa của hai loại bánh. Vua bèn chọn lễ vật Lang Liêu dâng để tế trời đất và đặt tên cho bánh hình vuông là bánh chưng và bánh hình tròn là bánh giầy. Ông cũng chọn Lang Liêu là người nối ngôi báu. Từ đó nhân dân ta có tục gói bánh chưng và giã bánh giầy trong dịp tết, chọn những cái ngon nhất đẹp nhất bày lên bàn thờ cúng tổ tiên.
Bên cạnh đó, bánh chưng, bánh dày còn mang những ý nghĩa sâu xa về vũ trụ, nhân sinh. Theo dân gian, bánh chưng hình vuông, có góc cạnh, hình khối cụ thể thuộc âm, tượng trưng cho đất. Bánh giầy hình tròn không có góc cạnh thuộc dương, tượng trưng cho trời nên phải màu trắng. Còn theo tín ngưỡng phồn thực dân gian thì bánh chưng, bánh giầy còn mang ý nghĩa của sự sinh sôi, nảy nở.
Các bạn biết không? Nếu như trước kia, bánh chưng, bánh giầy chỉ được gói, được làm trong những dịp lễ Tết, vào ngày giỗ tổ hay khi gia đình có cỗ lớn, thì bây giờ, ở nhiều nơi, nhất là ở những đô thị hiện đại, bánh chưng, bánh giầy đã trở thành một thứ hàng quà, được bán hàng ngày phục vụ nhu cầu ẩm thực của người dân, nó được coi như một loại bánh để ăn chơi, có khi là ăn quà sáng, quà chiều, có khi là món ăn dùng trong những dịp cưới xin, giỗ chạp.
Để tìm hiểu thêm “Sự tích bánh chưng, bánh giầy” và ngày tết cổ truyền, xin mời các em cùng tìm đến Thư viện tìm đọc nhé!